Khởi nghiệp tại Việt Nam – Là khuynh hướng hay phong trào?
Anh phải xuống Bình Chánh mua một nền đất nhỏ, cất cái nhà cấp bốn có chỗ ở cho cả nhà, chờ cơ hội khởi nghiệp khác.
Không chỉ giới trẻ mà cả nhiều người không còn trẻ nữa cũng đang hồ hởi với khuynh hướng khởi nghiệp. Khởi nghiệp nhưng chưa biết khởi đầu từ đâu là vấn đề của nhiều người.
Khởi nghiệp tại Việt Nam – khuynh hướng hay phong trào?
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Nhiều bạn trẻ xem những tấm gương khởi nghiệp của một số người thành đạt khởi đi từ hai bàn tay trắng rồi lò dò bắt chước. Nhưng không có mẫu số chung cho sự thành công.
Mỗi người trong từng giai đoạn, từng hoàn cảnh sẽ có những kết quả khác nhau. Người cháu họ của tôi nhà nghèo, cha mất sớm, nó phải nghỉ học sau khi tốt nghiệp THPT.
Thần tượng của nó là bầu Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ông cũng học hành dở dang như nó. Hai mẹ con nó ở một căn nhà nhỏ trong hẻm khu Bàn Cờ, quận 3. Nó xin mẹ thế chấp căn nhà vay ngân hàng được 500 triệu đồng, nó qua quận 2 thuê đất, dựng nhà tạm, mở một quán cà phê sạch. Quán trang trí đơn giản nhưng bắt mắt, thoáng mát vì gần một công viên, nơi nhiều người lớn tuổi sau khi tập thể dục sáng thường ghé quán. Rồi là các viên chức chi nhánh ngân hàng gần đó, thêm mấy người môi giới nhà đất nữa thường “đóng đô” ở quán nó, khách giao dịch nườm nượp bởi đây là khu mới đang phát triển từng ngày. Quán thành công ngoài mong đợi.
Nó bảo “con chẳng tài giỏi gì mà do con ít vốn quá phải chạy qua đây thuê đất rẻ, xây dựng tuềnh toàng, cũng nhờ may mắn”… Nó dự định mở thêm một quán loại này ở bên quận 9, cũng là một nơi đang phát triển.
Cũng khởi nghiệp từ tay trắng, một ông bạn trung niên của tôi ở Bình Tân khá sốt ruột vì thất nghiệp cả năm trời do công ty mà anh làm tài xế phá sản. Anh thế chấp nhà cho một tay cò nhà – vì nhà anh giấy tờ chưa hợp lệ – vay 400 triệu đồng, lãi suất 2%/tháng, mua một chiếc xe bốn chỗ cũ để chạy Uber. Chạy tuy đủ đóng lãi và tiền chợ cho vợ nhưng do xe cũ, hư hoài không đủ tiền sửa, một năm sau anh mệt mỏi quá, bán xe được còn gần 300 triệu đồng, bán căn nhà cho tay cò nhà thêm được hơn trăm triệu đồng. Anh phải xuống Bình Chánh mua một nền đất nhỏ, cất cái nhà cấp bốn có chỗ ở cho cả nhà, chờ cơ hội khởi nghiệp khác.
Bỏ đại học để khởi nghiệp bằng tiền cha mẹ
“Không phải ai bỏ ngang đại học cũng có thể thành công như Bill Gates, Mark Zuckerberg… con ạ!” – ông bạn tôi thiết tha giảng giải cho cậu con trai đang học năm ba ĐH Hàng hải muốn bỏ học, xin tiền cha mẹ để khởi nghiệp. Nhưng nó không nghe, hết xin cha lại mè nheo mẹ xin tiền khởi nghiệp “cho bằng vai phải lứa” với bè bạn. Biết thằng con quý nể tôi, bạn nhờ tôi giảng giải, thuyết phục cậu đừng bỏ học. Nhưng cậu ta bảo:
“Cháu chán học lắm, cháu đã ngoài 20 rồi, cháu phải khởi nghiệp thôi”.
Nhưng khi tôi hỏi: “Cháu có thể trình bày chương trình khởi nghiệp cho chú nghe được không” thì cậu ngắc ngứ vì chưa định hình được sẽ làm gì với số vốn mà cha mẹ có thể sẽ cho cậu. Nhân đó tôi “tấn công” ngay: “Cháu hãy học xong đã, ra trường cháu sẽ có biết bao nhiêu cánh cửa mở ra trước mắt”. Khi thi vào ĐH Hàng hải, nó đã từng mơ ước mai sau sẽ lướt sóng đại dương đến những bến bờ xa lạ.
Tôi bảo: “Những bến bờ đó dù xa lạ nhưng cháu còn biết nó cả về địa lý lẫn con người, nếp sinh hoạt nơi cháu sẽ đến. Còn khởi nghiệp kinh doanh là cả một thế giới đầy cạnh tranh. Thương trường là chiến trường, cháu ạ!”. Nó bảo một bạn nó cũng bỏ học, cha mẹ cho tiền kinh doanh xe phân khối lớn cổ được lắm. Thì ra cậu bạn nó con nhà giàu nứt đố đổ vách, cha mẹ cho tiền đi săn lùng xe phân khối lớn cổ mục đích trước là để chơi, sau ai thích thì bán kiếm lời…
Nói mãi nó vẫn không nghe, cha mẹ nó bèn cho nó 1 tỉ đồng để góp vốn với ba đứa bạn làm quán karaoke. Sáu tháng sau, quán karaoke đóng cửa, sang quán lỗ, phần do quá ế, phần vì không có người biết quản lý, các cổ đông tranh cãi, gây gổ nhau suốt. Bạn tôi cho biết sang quán lỗ, nó đưa về trả cha được 300 triệu đồng. Mất toi 700 triệu đồng làm một bài học cho thằng con cầu tự! Thằng con hứa sang năm đi học lại nhờ có bảo lưu kết quả học tập năm rồi.
Leave a Reply