Những câu hỏi cơ bản nhất trước khi muốn bắt đầu khởi nghiệp
Trở lại câu hỏi ban đầu, liệu có nên từ bỏ một công việc quản trị đang ổn định để nhảy ra lập công ty, xây dựng cơ đồ cho riêng mình?
Suy nghĩ này xuất hiện và lớn dần theo thời gian. Giống như khi có một dòng người ùn ùn kéo ngang qua nhà bạn, vừa đi vừa hô hào, lôi kéo mọi người cùng tham gia, bạn khó mà không thử bước ra ngoài cửa nhìn xem chuyện gì đang xảy ra, rồi tự hỏi liệu mình có nên tham gia đoàn người này hay không, nhất là khi đang có sẵn một vài ý tưởng kinh doanh mà bạn bè ai cũng khen hay.
Để trả lời câu hỏi liệu có nên bỏ công ăn việc làm đang ổn định để nhảy ra khởi nghiệp làm riêng hay không, có một câu hỏi khá quan trọng cần phải trả lời trước. Đó là liệu bạn có phải là tuýp người phù hợp để trở thành một doanh nhân đúng nghĩa hay không. Vì nghề kinh doanh hay nghề làm doanh nhân là một nghề đặc thù, không phải cứ có chút kinh nghiệm và vốn liếng là làm được.
Kinh nghiệm về quản trị là một điểm cộng rất lớn cho những ai muốn khởi nghiệp. Nhưng nên biết có những kinh nghiệm không những không giúp ích gì mà có khi còn có hại. Ví dụ, nếu bạn có kinh nghiệm quản trị theo kiểu rập khuôn, làm gì cũng phải theo đúng bài bản, đúng nội qui, chỉ thị của cấp trên thì chưa chắc là tốt cho công cuộc khởi nghiệp.
Khởi nghiệp hay làm nghề kinh doanh là phải uyển chuyển, phải lấy đầu này đắp đầu kia, lấy ngắn nuôi dài, lấy nhu thắng cương, nói chung là phải biết khi nào cần và biết cách đi ra ngoài các lằn ranh thì mới tồn tại và thành công được. Doanh nhân là người hôm nay mới quyết định thế này hôm sau đã có thể thay đổi, vừa có ý tưởng là muốn triển khai ngay mà không cần hỏi thăm hay xin phép ai, và khi đã “kết” một ý tưởng kinh doanh nào thì chỉ muốn đi đến cùng, khó ai cản nổi. Chính cái sự ngẫu hứng, sự đi ra ngoài các quy tắc và thông lệ đó mới giúp các doanh nhân tạo sự khác biệt để thành công trên thương trường.
Mọi sự khác biệt (so với đám đông còn lại) – dù là xảy ra ở đâu trên suốt con đường kinh doanh, từ khâu mới bắt đầu hình thành ý tưởng cho đến khi ra được sản phẩm và đến tay người tiêu dùng – đều có dấu ấn của sự sáng tạo, của sự đổi mới và quan trọng hơn hết, dấu ấn của sự tự nguyện và lòng can đảm.
Nhiều nhà quản trị tuy là đang làm công ăn lương nhưng đã điều hành công ty như một doanh nhân thực thụ. Thuật ngữ chuyên môn trong tiếng Anh gọi những nhà quản trị này là “intrapreneur” (doanh nhân làm thuê), không phải “manager” (nhà quản lý) mà cũng không hẳn là “entrepreneur” (doanh nhân đúng nghĩa). Họ nằm ở giữa. Họ là doanh nhân làm thuê.
Những người mua nhượng quyền thương hiệu (franchisee) cũng thuộc loại nằm ở giữa, nhưng có khác với các “doanh nhân làm thuê” ở chỗ họ bỏ vốn của chính mình ra kinh doanh và ôm trọn mọi rủi ro. Ngược lại, sự sáng tạo, đổi mới trong kinh doanh đối với một “doanh nhân mua nhượng quyền” thì thua xa so với “doanh nhân làm thuê”, vì họ phải tuân theo những tiêu chuẩn, đường lối chung khá gắt gao của cả một hệ thống nhượng quyền, có muốn sáng tạo cũng không được. Nên tuy là cũng mặc trên người chiếc áo doanh nhân nhưng những tố chất của một doanh nhân thực thụ trong họ dường như không bao giờ được thể hiện.
Trở lại câu hỏi ban đầu, liệu có nên từ bỏ một công việc quản trị đang ổn định để nhảy ra lập công ty, xây dựng cơ đồ cho riêng mình?
Thiết nghĩ, ngoài ý tưởng kinh doanh khả thi và vốn liếng tài chính cần thiết đã có trong tay, người muốn khởi nghiệp cần tỉnh táo xem xét và cân nhắc cẩn thận. Đừng bỏ hình bắt bóng và đừng đưa mình vào thế việt vị, vì một khi đã ra riêng rồi khi quay trở lại sẽ khó “an phận” sau một thời được “tung hoành ngang dọc”.
Nên cuối cùng thì để có thể đưa ra quyết định có xây dựng cơ đồ riêng hay không, câu hỏi cơ bản nhất nhưng cũng là quan trọng nhất cần phải được trả lời trước tiên, đó là: Chính xác thì mình là ai, và mình thật sự muốn cái gì?
Leave a Reply