Bill Aulet: ‘Muốn gọi vốn, thì đừng mất nhiều thời gian đeo đuổi nhà đầu tư’
Với cương vị Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SensAble Technologies, ông đã giúp doanh nghiệp này 2 lần nằm trong top 500 công ty tư nhân tăng trưởng nhanh nhất của tạp chí Inc.
Là chuyên gia hàng đầu về khởi nghiệp, Bill Aulet – Giám đốc Trung tâm đào tạo doanh nhân khởi nghiệp của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vừa có những chia sẻ với VnExpress xung quanh chủ đề startup trong chuyến làm việc tại Việt Nam gần đây.
Bill Aulet – Giám đốc Trung tâm đào tạo doanh nhân khởi nghiệp của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ảnh: Minh Sơn
– Nhiều startup tại Việt Nam gặp khó khăn về gọi vốn. Với kinh nghiệm của mình, ông đánh giá đâu là yếu tố quan trọng nhất để giải quyết vấn đề này?
– Với tôi, điều đầu tiên để gọi được vốn thì đừng quá chú ý đến việc này mà nên tập trung vào việc phát triển công ty thật tốt. Khi bạn dành quá nhiều thời gian theo đuổi các nhà đầu tư, họ sẽ nghĩ rằng bạn đang không chú tâm cho việc phát triển công ty.
Bill Aulet là tác giả cuốn sách “24 bước khởi sự kinh doanh thành công”. Ông từng dẫn dắt công ty Công nghệ An ninh Viisage thực hiện hai vòng gọi vốn lớn, giúp gia tăng giá trị thị trường của doanh nghiệp từ 50 triệu USD đến hơn 500 triệu USD.
Với cương vị Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SensAble Technologies, ông đã giúp doanh nghiệp này 2 lần nằm trong top 500 công ty tư nhân tăng trưởng nhanh nhất của tạp chí Inc.
Hãy tập trung vào công ty của bạn, phát triển nó thật nhanh và có nền tảng thực sự tốt. Khi bạn đã có một nền tảng kinh doanh tốt thì việc gọi vốn không còn khó khăn nữa, tự các nhà đầu tư sẽ tìm đến đưa tiền cho bạn.
– Ngoài việc quá chú tâm đến gọi vốn, còn có những sai lầm nào mà người khởi nghiệp dễ mắc phải?
– Có khá nhiều lầm tưởng, song phổ biến nhất là việc nghĩ rằng có những người bẩm sinh đã có khả năng khởi nghiệp. Thực tế không phải vậy, khởi nghiệp là một kỹ năng mà bạn có thể được đào tạo.
Ngoài ra, nhiều người cũng nghĩ rằng việc khởi nghiệp được thực hiện chỉ bởi bản thân, giống như một người hùng đơn độc, nhưng thực tế không phải vậy. Khởi nghiệp là một môn thể thao đồng đội, bạn càng có nhiều đồng đội, tỷ lệ thành công của bạn càng cao.
Một lầm tưởng khác mà nhiều người khi bắt đầu khởi sự mắc phải là cho rằng những người khởi nghiệp thành công thường rất trẻ, như cách người ta lấy Mark Zuckerberg – người đã thành công với mạng xã hội Facebook làm hình tượng. Thực tế, những người như Mark chỉ là trường hợp cá biệt, thống kê đã chứng minh được rằng 30 tuổi trở lên mới là độ tuổi thành công cao nhất khi bắt đầu khởi sự.
Ngoài ra, ý kiến cho rằng những người khởi nghiệp thường thích rủi ro kiểu đánh bạc, họ là những người lộn xộn, không có kỷ luật, có chút gì đó hơi “điên” cũng là sự nhầm lẫn. Phải khẳng định lại rằng, những người khởi nghiệp thành công là những người nghiêm túc, có tính kỷ luật cực kỳ cao. Họ cũng chỉ chấp nhận những rủi ro mà họ nhìn thấy và lường trước được.
– Ông từng thành công trong việc xây dựng và nâng cao giá trị những công ty như Viisage hay SensAble Technologies. Đâu là nhân tố quyết định?
– Phải thừa nhận chúng tôi có một chút may mắn, nhưng điều quan trọng là việc bạn định vị bản thân ở một thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như thế nào. Ngoài ra, bản thân công ty khi bắt đầu cũng đã sở hữu những lợi thế về công nghệ so với những công ty khác đang hoạt động trong cùng lĩnh vực.
Khi bạn vừa có thị trường có nhu cầu với tốc độ tăng trưởng cao, vừa có sản phẩm và một công nghệ có lợi thế để cạnh tranh thì đó là điều kiện để đưa đến thành công. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh là ngoài những lợi thế bên ngoài, yếu tố nội tại là một đội ngũ điều hành có quyết tâm cao là điều rất quan trọng.
– Với kinh nghiệm bản thân, ông có thể rút ra được đâu là rủi ro lớn nhất khi bắt đầu khởi sự kinh doanh?
– Theo tôi, rủi ro lớn nhất khi bắt đầu khởi sự là kỹ năng quản lý nhóm, rủi ro thứ hai là về thị trường và rủi ro đứng thứ ba mới là công nghệ.
– Vậy đâu là xu thế startup hiện nay, thưa ông?
– Ở MIT, chúng tôi tập trung vào xây dựng những công ty có tốc độ tăng trưởng cao ở bất kỳ lĩnh vực gì chứ không chỉ là công nghệ. Thực tế, cốt lõi của việc tăng trưởng có thể nằm ở công nghệ, quy trình hay một bí quyết đặc biệt, nhưng điều quan trọng là tạo được giá trị gia tăng.
Leave a Reply